Trần Phong Vũ
Hôm Thứ Hai 01-8, Chủ Tịch nước Trần Đại Quang tuyên bố sẽ đóng cửa Formosa vĩnh viễn nếu tổ hợp này tái phạm. Ba ngày sau, hôm Thứ Năm 04-8, ông Đinh Thế Huynh, Ủy Viên Bộ Chính Trị, Thường Trực Ban Bí Thư cho hay sẽ truy trách nhiệm đến cùng những ai dính líu tới hành vi gây ô nhiễm môi trường trong vụ Formosa.
Tạm gác ra một bên thái độ lọc lừa gian dối cố hữu của những người cộng sản, thái độ trên đây của hai ông Quang và Huynh được coi là hết sức quan trọng. Nó phản ánh một sự thay đổi lập trường lâu nay của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam.
Trong ngót ba tháng đầu kể từ khi xảy ra hiểm họa cá chết hàng loạt phơi trắng 250 cây số dọc bãi biển bốn tỉnh miền Trung, không hề có một tiếng nói nào trong hệ thống cầm quyền Hànội tỏ ra quan tâm tới hệ quả tại hại của biến cố có một không hai này. Ngay đến TBT Nguyễn Phú Trọng cũng hoàn toàn câm lặng cho dẫu ngày 22-4, chỉ hơn hai tuần sau vụ cá chết xảy ra, ông ta có mặt tại tổ hợp Formosa!
Cho tới khi chính tập đoàn này công khai nhận lỗi và chịu bồi thương 500 triệu Mỹ Kim hôm 30-6, đảng và nhà nước vẫn chưa có một hành động cụ thể nào nhằm đáp ứng nguyện vọng của hàng triệu nạn nhân trực tiếp sống bám vào biển. Có chăng là những trò tiểu xảo của các viên chức Đà Nẵng qua màn kịch tắm biến, ăn cá, để ngô nghê minh chứng với các nạn nhân về sự an toàn của biển/cá, trong khi thực tế hoàn toàn ngược lại. Ngay đến chuyện phân phối và xử dụng ngân khoàn bồi thường của Formosa ra sao, Hànội cũng thủ khẩu như bình khiến công luận vô cùng phẫn uất trước sự vô cảm và thái độ thiếu minh bạch của nhà cầm quyền. Từ đấy đã liên tiếp nổ ra những cuộc xuống đường từ Bắc chí Nam, cách riêng của bà con bốn tỉnh miền Trung.
Ông Trần Đại Quang hiện là nhân vật quyền uy nhất trong hệ thống cầm quyến Hànội và ông Đinh Thế Huynh với tư cách Ủy Viên Bộ Chính Trị, Thường Trực Ban Bí Thư được coi là người nắm giữ cương lĩnh, đường lối chính sách của đảng. Nếu không có một mưu toan đen tối nào ẩn giấu bên trong thì những tiếng nói của hai ông được công luận coi là rất có trọng lượng.
Phụ họa với những lời tuyên bố ấy, không chỉ bộ máy thông tin, tuyên truyền của đảng, dư luận trong và ngoài nước đều cho rằng: trong những ngày tới đây sẽ có nhiều khuôn mặt lớn nhỏ sẽ được lôi ra ánh sáng với tội danh hối mại quyền thế, nhận tiền của Formosa làm lơ cho tổ hợp này được ưu đãi thuê Vũng Áng trong một thời gian ngoại lệ 70 năm. Ngoài ra, lại còn vô trách nhiệm đến nỗi mặc tình để cho Formosa xả thải hóa chất cực độc xuống lòng biển, hủy hoại môi trường sinh thái, gây chết chóc cho nhiều chủng loại sinh vật dưới đại dương, ảnh hưởng trực tiếp tới mạng sống con người. Hậu quả trước mắt là hàng triệu gia đình chuyên sống bằng nghề đánh bắt hải sản, làm muối dọc dài bở biển miền Trung lâm cảnh khốn cùng.
Sau những lời tuyên bố dõng dạc của hai khuôn mặt quyền uy nhất nước là các ông Trần Đại Quang và Đinh Thế Huynh, báo chí lề phải bắt đầu khai thác triệt để. Ám chỉ những lời tuyên bố chạy tội của ông Võ Kim Cự, nguyên Bí Thư, nguyên Chủ Tịch Hà Tĩnh, lời ông Đinh Thế Huynh được các báo đua nhau trích dẫn. Cụ thể, báo điện tử Dân Trí dùng lời ông Đinh Thế Huynh để quy trách nhiệm cho ông Võ Kim Cự:
“Không thể ông lên báo nói mấy câu chống chế là xong việc. Cứ để kiểm tra làm rõ… Anh nói, tôi ký 12 bộ, ngành đã đồng ý. Vậy thì để kiểm tra, luật qui định 50 năm nhưng đặc biệt là 70 năm, trường hợp này có đặc biệt hay không phải có căn cứ.”
Theo VnExpress và Dân Trí online, ông Đinh Thế Huynh cho biết chủ trương của Đảng, Nhà nước là rà soát toàn bộ quá trình cấp phép, phê duyệt dự án với Formosa, đặc biệt là phê duyệt hệ thống xả thải để xử lý những cá nhân vi phạm; bên cạnh đó, cũng cần làm rõ trách nhiệm cơ quan nào đánh giá tác động môi trường, hệ thống giám sát quan trắc… Cùng lúc, báo điện tử Lao Động tung lên mạng hai bài viết gây chấn động dư luận trong nước. Bài thứ nhất dẫn dắt người đọc tìm hiểu trách nhiệm của ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường và các giới chức cao cấp ở bộ này. Bài thứ hai, báo này tiếp tục với bài “Formosa xả thải: Lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường ủy nhiệm bừa bãi và… nhắm mắt ký.”
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, nhà báo độc lập từ Saigon phát biểu:
“Tôi có nghe thông tin hiện nay đang lôi ra xem lại cái báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2008 cho Formosa. Trong báo cáo đó chỉ có đúng 1 trang đề cập về vấn đề xả thải ô nhiễm và cũng nói rất là chung chung. Dư luận cho rằng, khi Bộ Tài nguyên Môi trường đánh giá tác động môi trường quá hời hợt như vậy, thì đó là động tác các quan chức ở Bộ này ngậm miệng ăn tiền của Formosa. Hiện nay, người ta đang xem xét trách nhiệm của những quan chức về hưu và nếu như trong vụ Trịnh Xuân Thanh liên quan tới cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. Nếu ông Hoàng mà không thoát, thì tôi nghĩ một Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường chắc chắn sẽ cùng chung số phận với ông Võ Kim Cự trong thời gian tới.”
Theo Lao Động Online, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã từ chối không trả lời về các loại giấy phép cấp cho Formosa. Ông đá quả bóng trách nhiệm cho thuộc cấp lúc đó là Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến, phụ trách Tổng cục Môi trường và là người được cho là phải chịu trách nhiệm liên quan tới việc cho phép Formosa xả thải độc dược ra biển. Khi trả lời báo Lao Động Online, ông Tuyến khẳng định việc chấp thuận đưa Formosa vào Việt Nam, cũng như cho dự án này xả thải ra biển là chủ trương của Ban cán sự Đảng trong đó có nhiều người chứ không riêng mình ông, dù ông là người trực tiếp ký cho phép Formosa làm chuyện bất hợp pháp này.
Vẫn theo báo điện tử Lao Động, ông Bùi Cách Tuyến là Tiến sĩ ngành quản lý môi trường. Ông cho hay, bản thân hiểu rõ hoàn cảnh đất nước thời kỳ đó rất cần đầu tư, nhưng đồng thời cũng nhận rõ tác hại môi trường kèm theo. Ông tiết lộ sự thật bẽ bàng là ông không biết phải làm sao khi có nhiều chuyện ông khuyên ngăn nhưng Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang bỏ ngoài tai. Tệ hơn nữa, theo lời ông Tuyến, có sự dính líu của những nhóm lợi ích được sự chống lưng của đảng và nhà nước, trong khi ông chỉ là một thầy giáo đại học không dính tới những nhóm lợi ích này.
Theo quan điểm luật pháp, báo Lao Động Online trích lời Luật sư Vũ Thái Hà, Chủ tịch Cty Luật Youme, cho rằng người chịu trách nhiệm cao nhất là cựu Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, cho dù ông không ký mà ủy quyền cho người khác ký. Trong bài thứ hai “Formosa xả thải: Lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường ủy nhiệm bừa và …nhắm mắt ký” báo điện tử Lao Động còn bật mí nhiều chuyện động trời ở Bộ Tài nguyên Môi trường. Theo đó, TS Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, cho biết tuy không tham gia hội đồng thẩm định nhưng được nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Mai Ái Trực (nhiệm kỳ 2002-2007) ủy quyền ký bản đánh giá tác động môi trường mà bản thân ông không tham gia thẩm định.
Khi ông Chủ Tịch nước Trần Đại Quang cảnh báo sẽ đóng cửa Formosa nếu tái phạm, tiếp theo ông Thường Trực Ban Bí Thư Đinh Thế Huynh nói với người dân là xử lý nghiêm bất kể ai liên quan đến sự cố Formosa.
Rõ ràng đây là một kịch bản, kẻ tung người hứng giữa đảng và nhà nước để chuẩn bị cho một mưu toan đen tối bên trong. Người ta tự hỏi: căn nguyên sâu xa nào khiến Trần Đại Quang và Đinh Thế Huynh, hai khuôn mặt lớn của đảng và nhà nước CSVN lại đột ngột có những lời tuyên bố khác thường như vậy?
Và lá bài tẩy trong canh bạc này là gì?
Trả lời vấn nạn trên, một câu hỏi khác cũng được đặt ra: phải chăng đây chỉ là một màn trình diễn được Bộ Chính Trị cộng đảng Việt Nam bày ra để mượn lời Chủ Tịch Nước và Thường Trực Ban Bí Thư Đảng tạm thời thỏa mãn những đòi hỏi cấp thiết của đám đông quần chúng quyết liệt nêu ra trong những cuộc biểu tình gần đây? Ngoài ra, phải chăng kịch bản vụng về này còn nhằm sửa soạn cho một mưu gian lớn hơn là duy trì sự hiện diện của Formosa ở Vũng Áng mà Hà nội đã ngầm cam kết với Bắc Kinh? Về điểm này, chúng ta cần đọc kỹ lời tuyên bố của ông Trần Đại Quang để thấy gian ý của ông ta hàm ẩn trong đó. Khi nói tới chuyện “sẽ đóng cửa Formosa NẾU tổ hợp này tái phạm” rõ ràng ông Quang đã lộ ý định “tha Tào” cho Formosa lần này. Để đổi lại, một số những lãnh đạo trung cấp như Võ Kim Cự, Nguyễn Minh Quang, vài ba bàn tay khác đã nhúng chàm lộ liễu trong vụ phá hoại môi trường sẽ bị hy sinh như những vật tế thần trong những ngày tới
Người dân Việt Nam đã bị lừa đảo quá nhiều. Hy vọng lần này, với truyền thống kiên cường, dũng cảm của người dân Nghệ-Tĩnh-Bình, chúng ta không bị mắc lừa thêm một lần nữa… vào lúc cao trào đấu tranh đòi trục xuất Formosa, truy tố hành vi tội ác của tổ hợp này ra tòa đồng thời đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải truy cứu đến tận căn những hành vi tiếp tay cho kẻ thù phá hoại môi trường của những phần tử tai to mặt lớn trong bộ máy nhà nước.

Giáo dân Đông Yên. Ảnh: Facebook Hung Tran biểu tình
Tin tổng hợp từ các trang mạng trong và ngoài nước kèm theo hình ảnh cho hay, hôm Chúa Nhật 07-8, Ban Công Lý Hòa Bình Giáo Phận Vinh với sự đồng ý của Giám Mục Nguyễn Thái Hợp đã tổ chức những Thánh Lễ, những buổi thắp nến tại hầu hết các giáo xứ để cầu nguyện cho sự an toàn của biển và môi trường sinh thái, nói chung. Cũng trong ngày này tổng cộng cộng khoảng 10,000 giáo dân đồng thời cũng là ngư dân từ các giáo xứ khác nhau thuộc giáo phận Vinh, tỉnh Nghệ An, liên kết với nhiều lương dân đã nhiệt liệt tham dự một cuộc biểu tình ôn hòa để tiếp tục bày tỏ sự bất bình về thảm họa môi trường biển do hãng Formosa gây ra gần đây.
Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam, Quản xứ Giáo xứ Phú Yên, cho VOA Việt Ngữ biết rằng đa phần khoảng 6,000 những người tham gia biểu tình đến từ giáo xứ Song Ngọc, Phú Yên và Mành Sơn. Ngoài ra, theo ông, còn có những đoàn đến từ một số giáo xứ và địa phương khác trong vùng. Họ mang theo nhiều biểu ngữ nói lên ý chí cương quyết chống lại những hành vi phá hoại môi trường biển khiến hàng triệu ngư dân lâm cảnh khốn cùng từ hơn bốn tháng qua. Đáng chú ý là khoảng 700 ngư dân và cũng là giáo dân giáo xứ Đông Yên cũ đã tìm cách kéo đến trước cổng Formosa Hà Tĩnh để bày tỏ thái độ. Các ngư dân mặc đồng phục in hàng chữ “yêu cầu Formosa cút khỏi VN” và mang theo nhiều biểu ngữ đòi đóng cửa vĩnh viễn Formosa. Đám đông ngư dân biểu tình đối diện với hàng rào hàng trăm cảnh sát cơ động giàn hàng bảo vệ Formosa.
Vẫn theo LM Nam, mục tiêu cuộc biểu tình nhằm:
“Nói lên tiếng nói, nguyện vọng của người dân đối với thảm họa môi trường biển. Thứ nhất, yêu cầu đóng cửa vĩnh viễn Formosa, yêu cầu Formosa đền bù một xứng hợp, và trước khi cuốn gòi phải cải tạo môi trường, trả lại biển lành cho người dân. Thứ hai. về phía nhà nước, chúng tôi yêu cầu khởi tố Formosa và khởi tố những người, những cá nhân, những tổ chức cộng tác và tiếp tay cho Formosa để sát hại môi trường và gây ra thảm họa tại đất nước này”.
Những ngày cuối thượng tuần tháng 8-2016 – TPVũ