Đỏ và xanh ở Việt nam

Bất lực của Đảng Cộng sản trước nạn ô nhiễm bào mòn quyền lực của nó.

Tàu cá ở Đồng Hới, thủ phủ yên lặng của một tỉnh ven biển miền Trung Việt nam, được trang trí bằng những nhánh xương rồng. Người ta tin rằng những nhánh bùa gai đó sẽ bảo vệ người đi biển từ bão tố và những tai ương khác, nhưng chúng không giúp tránh được tai họa đổ ụp vào thị trấn mùa xuân năm ngoái. Sóng tháng Tư đã đưa hàng ngàn xác cá chết vào biển Đồng Hới. Chính quyền lúng túng nhiều tháng trước khi tuyên bố nguyên nhân: do nhà máy thép mới xây ở vùng biển trên xả chất độc.

Đã gần cả năm trôi qua, nhưng Đồng Hới – và những vùng dân cư dọc 200 cây số bờ biển bị ảnh hưởng – vẫn còn phải gánh chịu hậu quả thảm họa đó. Ngư dân, chủ những thuyền cá sơn xanh đỏ im vắng neo dọc dòng sông rộng, bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều dân địa phương không ăn cá họ đánh về vì sợ bị nhiễm độc; những người khác thì chỉ ăn cá lưới được ở biển khơi xa bờ, hoặc ở biển sâu vì cho là chúng không bị nhiễm độc. Tủ lạnh ở nhiều nhà hàng đồ biển giờ chỉ chứa toàn thịt gà và heo.

Ngành du lịch cũng bị ảnh hưởng tai họa. Thời chiến tranh Việt nam thị trấn đã bị san bằng (trừ mặt tiền ngôi nhà thờ cháy nám, nay được giữ nguyên làm đài tưởng niệm), nhưng nay được nguồn lợi từ những hang động khổng lồ khám phá trong vùng. Hang Sơn Đoòng, được cho là lớn nhất thế giới, mới mở cửa cho công chúng năm 2013. Nhưng mùa hè qua, hằng loạt du khách đã hủy bỏ chuyến đi vì sợ cát độc. Nhiều khách sạn và condo đang xây bị bỏ dở vùng ngoại ô vì người đầu tư bỏ cuộc.

Ô nhiễm đã hủy hoại nhiều phong cảnh Việt nam. Xây đập, đào giếng và thâm canh đã hủy hoại dần mòn đồng bằng sông Cửu long, nơi sản xuất gần nửa số gạo cho cả nước. Ở đó mỗi năm đất lại nhiễm mặn thêm khi nước biển lấn sâu vào bờ vì sông ngày càng ít nước. Khí ô nhiễm làm nghẹt bầu trời thủ đô Hà nội. Nhiều thống kê cho thấy hơn hai phần ba nước thải kỷ nghệ đổ vào sông hồ. Năm 2015 chính quyền nhận định một số làng có mức ung thư cao bất thường, có thể vì nguồn nước bị nhiễm chì.

Thêm vào đó là những vấn đề môi trường khác nằm ngoài khả năng Việt nam. Với bờ biển dài hơn 2000 dặm, Việt nam dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi thời tiết. Một vài ước tính tiên đoán rằng một phần năm của thành phố Hồ Chí Minh, vùng đô thị đang phát triển nhanh của miền nam, có thể bị ngập nước vào cuối thế kỷ. Lụt lội và thời tiết khắc nghiệt sẽ tàn phá những vùng dân cư dọc biển.

Những quan ngại đó đang lớn dần trong chính trị Việt nam, thách thức nền cai trị khắc nghiệt của Đảng Cộng sản. Một báo cáo của chính phủ cho biết ít nhất là 200,000 người đã bị ảnh hưởng trực tiếp từ thảm họa. Một số dân đã can đảm biểu tình trước nhà máy Formosa – một công ty Đài loan – hay trước tòa án địa phương. Họ cho rằng tiền bồi thường 500 triệu USD là không đủ, và đòi hỏi quyền khiếu kiện. Đáng ghi nhận hơn là phẩn nộ từ những người không bị ảnh hưởng chất độc. Khi thảm họa vừa xảy ra, phát ngôn viên của Formosa đã ngụ ý rằng công nghiệp và nghề cá không đi đôi với nhau. Người biểu tình ở Hà nội và Thành phố Hồ Chí Minh phản biện: “Tôi chọn cá.”

Chủ nghĩa dân tộc càng làm tăng sự phẩn nộ về môi trường. Năm 2014 hảng thép Formosa bị dân bạo loạn đốt để phản đối Trung quốc đưa dàn khoan vào trong vùng biển gần bờ Việt nam (cho dù Formosa là công ty Đài loan). Đa số dân chúng nghĩ rằng chính phủ đã nhân nhượng với Trung quốc, đối tác mậu dịch lớn nhất của Việt nam, nhưng cũng là cựu thù và đang tranh đòi nhiều đảo ở biển Đông. Họ cho rằng việc Đảng đã (gần như) cho phép một công ty Tàu xả độc vào biển là điều sỉ nhục.

Tất cả những điều đó làm Đảng Cộng sản sợ hãi vì đã thấy phong trào bảo vệ môi trường làm suy sụp cộng sản Đông Âu, nên họ đã đàn áp một cách thô bạo những người cầm đầu biểu tình. Nhưng chụp mũ những người tranh đấu dân quyền là tay sai ngoại bang không phải là điều dễ làm khi chính bản thân Đảng đang bị lên án là bao che cho người ngoại quốc gây ô nhiễm. Trong nỗ lực tìm bạn mới để giảm lệ thuộc mậu dịch vào Trung quốc, quan chức Việt nam cũng quan ngại về uy tín quốc gia. Đảng muốn người ngoài nhìn Việt nam như là một đối tác khả tín trên những vấn đề toàn cầu như biến đổi thời tiết, chứ không là một đất nước lạc hậu tôn sùng một lãnh tụ đã chết nằm trong hộp kiếng.

Vì vậy các nhà lập pháp Việt nam trở nên xanh hơn. Việt nam có một bộ luật về môi trường khá toàn diện, ban hành nhanh lẹ và nghiêm nhặt hơn bộ luật cẩu thả của Trung quốc, như Stephan Ortmann – tác giả của một sách mới về đề tài này – đã nhận xét. Việt nam hứa sẽ giảm lượng carbon sử dụng cho nền kinh tế (dù lời hứa này đi ngược lại với chương trình xây dựng hằng loạt những nhà máy điện chạy bằng than đá là điều đáng suy ngẫm). Vào tháng Mười chính quyền tổ chức một cuộc hội thảo lớn về bảo tồn động vật hoang dã, đốt bỏ hàng tấn ngà voi cấm bị tịch thu trong một trận lửa làm vui mắt người xem.

Mù mờ và hỗn độn

Tuy nhiên lời nói không đi đôi với hành động và ngân sách eo hẹp chỉ là một phần lý cớ. Phát triển kinh tế – trong một xã hội phi dân chủ Đảng độc quyền – là điều tiên quyết. Các quan chức quyền lực tỉnh phớt lờ luật lệ từ Hà nội, và các đại công ty nhà nước thì gần như bất khả xâm. Một hệ thống tư pháp, sẵn sàng thẳng tay với thành phần đối lập một cách tàn bạo, bó tay một cách đáng buồn khi thi hành những quy định đơn giản.

Trong khi Bắc kinh bắt đầu đóng cửa nhà máy và giới hạn sử dụng xe để chống ô nhiễm không khí, thì quan chức lớn Hà nội vẫn còn loay hoay tìm cách giới hạn nạn xe máy đậu lề đường. Cơn phẩn nộ âm ỉ về ô nhiễm sẽ gây khó khăn hơn cho Đảng khi phải đối phó với những cú sốc chính trị hoặc kinh tế.

Trong khi đó thì tương lai của Đồng Hới tùy thuộc vào lượng du khách mùa hè này. Chính quyền tuyên bố biển đã an toàn tắm được, nhưng không phải ai cũng tin điều đó. Một ngư phủ cho biết ông đã trở lại với nghề cá, nhưng sẽ không cho gia đình ăn cá mình đánh bắt được trong 5 hoặc 10 năm tới.

Nguồn: The Economist, Red v green in Vietnam. Asian section, Feb 16th, 2017. Bản dịch của jffv.org 31/5/2017