Infonet.vn: Tiền tỷ bồi thường sự cố môi trường Formosa Hà Tĩnh: Về xã nhập nhèm chi. Dùng tiền bồi thường ăn nhà hàng biển 3 lần/1 ngày

infonet_1

UBND xã Cẩm Nhượng, nơi cán bộ xã bị “tố” dùng tiền hỗ trợ sai mục đích

Dùng tiền hỗ trợ để chi thường xuyên

Ông Tôn Đức Yên (SN 1937) thôn Xuân Nam, xã Cẩm Nhượng phản ánh, sau sự cố môi trường biển, UBND xã Cẩm Nhượng được cấp 1,7 tỷ đồng cho cán bộ thôn, xã phục vụ công tác ổn định tình hình, thống kê, thẩm định, chi trả kinh phí bồi thường thiệt hại từ tháng 5/2016 đến tháng 6/2017.

“UBND xã đã chi cho 16 thôn xóm (cán bộ thôn) số tiền là 600 triệu đồng, vậy còn lại 1,1 tỷ đồng thì chi vào việc gì? Chúng tôi hỏi thì cán bộ xã nói là chi cho cán bộ xã hết 200 triệu đồng, chi tiền làm hồ sơ hết 350 triệu đồng, như thế còn 550 triệu đồng để vào đâu?”, đơn của người dân thôn Cẩm Nhượng viết.

infonet_2

Theo Kết luận số 1837/KL-UBND ngày 31/7/2019 của UBND huyện Cẩm Xuyên về tố cáo của công dân xã Cẩm Nhượng, UBND xã Cẩm Nhượng nhận được 1.758.200.000 đồng phục vụ công tác ổn định tình hình, thống kê thẩm định, chi trả kinh phí bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường theo Quyết định số 4502/QĐ-UBND ngày 04/12/2017.

UBND xã Cẩm Nhượng đã chi tiền làm thêm giờ cho cán bộ công chức xã là 282.417.575 đồng; cán bộ bán chuyên trách và hợp đồng lao động 101.500.000 đồng; cán bộ cấp thôn 552.500.000 đồng; công tác phí 141.000.000 đồng; kê khai cấp phát gạo 25.650.000 đồng; vận chuyển bốc xếp gạo 38.076.000 đồng; thuê xe chở công dân, chở hồ sơ, thuê rạp 7.740.000 đồng. Tổng số tiền chi hết 1.148.883.575 đồng.

Ngoài ra còn chi phô tô, in ấn tài liệu 188.869.000 đồng; sửa chữa máy tính, máy photocopy 85.881.000 đồng; mua văn phòng phẩm 165.655.000 đồng; hội họp, tuyên truyền 78.250.000 đồng; đặt cơm cho các tổ thẩm định, 62.635.000 đồng; phụ cấp tiền điện thoại cho cán bộ xã 28.600.000 đồng. Tổng số tiền chi phí cho những nội dung này là 609.917.000 đồng.

infonet_3

Chế độ của tổ trưởng và văn phòng phẩm của thôn Tân Dinh

Nhập nhèm trong các khoản chi

Ông Trần Kim Hạnh (SN 1958), nguyên Trưởng thôn Tân Dinh cho biết: “Mặc dù được trên cấp 1,7 tỷ đồng nhưng bản thân tôi là tổ trưởng tổ rà soát của thôn, cũng như các trưởng thôn khác, chỉ được hỗ trợ 8 triệu đồng”.

“Họ nói chi mấy trăm triệu mua giấy tờ để in hồ sơ cho dân, nhưng như thôn Tân Dinh, giấy làm hồ sơ do dân tự mua cả, duy chỉ một lần xã có cấp cho tôi một ít, còn lại tôi đi phô tô thì lấy tiền thôn, mà cũng chỉ hết 250.000 đồng”, ông Hạnh đưa dẫn chứng.

infonet_4

“Thời điểm đó, thôn Tân Dinh có khoảng 315 hộ dân, mỗi hộ kê khai trên 3 tờ giấy A4, đắt lắm chỉ hết 6.000 đồng, tổng chưa hết 2 triệu, làm gì mà lắm thế?”, ông Hạnh đặt câu hỏi.

Đi tìm lời giải cho những thắc mắc của người dân, chúng tôi được tiếp cận một số hồ sơ liên quan đến việc chi phí mua văn phòng phẩm, phô tô in ấn tài liệu, sửa chữa máy tính, máy photocopy với số tiền 440.405.000 đồng.

Có thể chưa đầy đủ nhưng chúng tôi thống kê được 10 bảng tổng hợp mua văn phòng phẩm của 10 thôn thuộc xã Cẩm Nhượng, với tổng số 148 thùng giấy A4 ngoại (mỗi thôn từ 12 – 16 thùng). Riêng giấy A4 cho Tổ thẩm định cấp xã VP UBND là 101 thùng (mỗi thùng có 5 ram với 2.500 tờ, giá 350.000 đồng).

infonet_5
Việc lựa chọn nhà thầu là của xã Cẩm Nhượng nhưng lại do… UBND thị trấn quyết định
Đối chiếu thôn Tân Dinh có 315 hộ dân với 315 bộ hồ sơ, mỗi bộ 3 tờ giấy A4, tổng số hết gần 1.000 tờ. Trong khi đó, theo bảng tổng hợp mua văn phòng phẩm của xã, thì hết 16 thùng giấy A4 với 40.000 tờ giấy, gấp hơn 40 lần thực tế sử dụng.

Nhiều người dân đặt câu hỏi, tại sao trong khi UBND xã Cẩm Nhượng đã chi gần 166 triệu đồng để mua văn phòng phẩm; 86 triệu đồng sửa chữa máy tính, máy photocopy để in ấn tài liệu, lại còn chi gần 189 triệu đồng tiền phô tô in ấn tài liệu nữa?. Phải chăng 1 nội dung được chi 2 lần? Thực chất số tiền này được chi cho nội dung gì và hiện đang ở đâu?

Bà Trương Thị Hằng, chuyên viên phòng Thanh tra huyện Cẩm Xuyên, lý giải: “Toàn xã Cẩm Nhượng có 3443 đối tượng. Sở dĩ chi phí gần 189 triệu đồng để phô tô, in ấn tài liệu là số văn bản hướng dẫn nhiều, các đối tượng viết sai nên phải phô tô để làm lại”.

infonet_6

Theo hóa đơn thống kê, ngày 28 và 30/12/2017, tiền mua văn phòng phẩm gần 150 triệu đồng

Theo hóa đơn thống kê, ngày 28 và 30/12/2017, tiền mua văn phòng phẩm gần 150 triệu đồng
“Còn việc sửa chữa máy vi tính, máy photocopy hết gần 86 triệu đồng là cả sửa chữa máy ở phòng Đảng ủy. Chúng tôi đã yêu cầu nếu không phân chia ra phần phục vụ cho công tác quản lý hành chính tại xã liên quan đến sự cố môi trường là không đúng quy định”, bà Hằng nói thêm.

PV thắc mắc, đã phô tô, in ấn tài liệu hết gần 189 triệu đồng, sửa chữa máy vi tính, máy photocopy hết gần 86 triệu đồng thì tại sao còn sử dụng 166 triệu đồng để mua văn phòng phẩm? Bà Hằng nói: “Do một số đối tượng làm không đúng nên phải làm lại rồi phải mua bổ sung”.

Dùng tiền tỷ bồi thường sự cố môi trường Formosa Hà Tĩnh ăn nhà hàng biển 3 lần/1 ngày

Ăn nhà hàng biển 3 lần/ngày

Theo đó, sau sự cố môi trường biển, UBND xã Cẩm Nhượng được cấp 1,7 tỷ đồng để phục vụ công tác ổn định tình hình, thống kê, thẩm định, chi trả kinh phí bồi thường thiệt hại.

Đây là khoản kinh phí để chi trả cho cán bộ từ xã đến thôn xóm trong việc hội họp, lập hồ sơ xét duyệt, chi trả đền bù của Formosa cho người dân từ tháng 5/2016 đến tháng 6/2017.

Trong khoảng thời gian này, UBND xã Cẩm Nhượng đã chi kinh phí hỗ trợ hội họp, tuyên truyền (78.250.000 đồng); chi đặt cơm cho các tổ tổng hợp, thẩm định, chi trả kinh phí sự cố môi trường biển (62.635.000 đồng); chi phụ cấp tiền điện thoại cho cán bộ xã (28.600.000 đồng). Tổng chi phí cho các nội dung trên là gần 170 triệu đồng.

Qua đối chiếu hồ sơ chứng từ, từ ngày 10/12 đến 25/12 năm 2016 có 3 lần ăn cơm với số tiền 10.780.000 đồng. Trong đó, ngày 23/12 và ngày 25/12/2017 ăn hai bữa liên tiếp tại nhà hàng Nguyễn Thị Diễn, thị trấn Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên) hết 8.330.000 đồng.

Trong năm 2017 có 9 lần ăn cơm với tổng số tiền 44.195.000 đồng. Đặc biệt ngày 8/6/2017 có 3 phiếu ăn tại nhà hàng Biển Nhượng (thị trấn Thiên Cẩm) với số tiền 14.460.000 đồng, trong đó có một phiếu chi lớn nhất là 9.600.000 đồng.

infonet_7

Tháng 1/2018, UBND xã Cẩm Nhượng lập danh sách hỗ trợ thôn kinh phí tuyên truyền, tiền họp, tiền nước uống, đảm bảo an ninh thực hiện kê khai sự cố môi trường biển cho 9 thôn với số tiền 45 triệu đồng.

Trao đổi với PV Infonet, ông Trần Kim Hạnh (SN 1958), nguyên trưởng thôn Tân Dinh, xã Cẩm Nhượng cho biết: “Trong quá trình tham gia rà soát đền bù từ tháng 5/2016 đến tháng 6/2017, chúng tôi không bao giờ có được bữa ăn, ngay cả miếng nước cũng không có chứ đừng nói đến ăn”.

“Thời điểm đó đã có tiền đâu mà ăn. Chưa có tiền thì ai dám tổ chức ăn. Ăn nợ rồi thì lấy gì mà trả. Sau này mới có tiền mà”, ông Hạnh nói thêm.

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Sỹ Huyền, nguyên Chủ tịch UBND xã, hiện là Phó Ban Dân vận Huyện ủy Cẩm Xuyên xác nhận: “Cán bộ thôn thì không được ăn đâu. Đây là các đoàn về thẩm định kiểm tra, tiêu hủy, nên địa phương phải bố trí ăn trưa để làm việc buổi chiều”.

Cũng theo ông Huyền, trong thời gian gần 2 năm, có mấy chục đoàn của tỉnh và huyện về kiểm tra, thẩm định, chả nhẽ buổi trưa không cho họ ăn. Nếu theo quy định, chế độ tiếp khách cơm trưa chỉ mấy chục ngàn, nhưng họ làm ngoài giờ, vào thứ bảy, chủ nhật, hơn nữa lại làm cả ngày cả đêm rất vất vả nên mời ăn là chuyện đương nhiên.

infonet_8

Ngày 8/6/2017 có 3 phiếu ăn tại nhà hàng Biển Nhượng với số tiền 14.460.000 đồng, trong đó phiếu lớn nhất là 9,6 triệu đồng

Sai về quy định

Nói về chi phí hội họp tuyên truyền, ông Huyền cho rằng đây là tiền chi trả cho cán bộ xã, thôn khi tham gia các cuộc họp. Tiền này phải trả riêng chứ không tính trong tiền công làm thêm hàng ngày.

Còn bà Trương Thị Hằng, Chuyên viên Phòng Thanh tra huyện Cẩm Xuyên, thành viên đoàn kiểm tra tại xã Cẩm Nhượng cho biết: “Do số lượng đông nên phải chi trả nhiều đợt. Những đợt chi trả thường có cả bên huyện, xã, kho bạc, tài chính, ngân hàng, công an… Lúc đầu cũng thấy theo quy định thì sai. Tiêu chuẩn của đối tượng này được đặt cơm là không đúng, nhưng sau đó đã cân nhắc và xem xét lại”.

Cũng theo bà Hằng, do tính chất đặc thù của sự cố môi trường là khối lượng công việc lớn, phải giải quyết trong một thời gian ngắn, huy động nhiều thành phần tham gia, làm việc liên tục cho kịp công tác thẩm định chi trả nên phải bố trí cơm trưa cho họ.

Về vấn đề này, ông Đặng Hữu Nhã, Chánh Thanh tra huyện Cẩm Xuyên khẳng định: “Việc đặt cơm thì cũng không đúng lắm đâu. Lúc đầu cũng thấy áy náy vì theo chế độ thì không đúng, nhưng về mặt thực tiễn thấy HĐND xã quyết định như thế thì vẫn được”.

infonet_9

Ngày 18/01/2018, ông Nguyễn Sỹ Huyền, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng ký danh sách hỗ trợ tiền tuyên truyền hội họp

Tại Kết luận Thanh tra số 1837/KL-UBND ngày 31/7/2019 của UBND huyện Cẩm Xuyên có ghi: “Qua kiểm tra một số nội dung chi, UBND xã Cẩm Nhượng thực hiện chưa đúng quy định như: Sử dụng kinh phí hỗ trợ, khắc phục để chi tiền điện thoại cho cán bộ xã, số tiền 28.600.000 đồng; sử dụng kinh phí khắc phục sự cố môi trường biển để thanh toán một phần kinh phí sửa chữa máy vi tính, máy photocopy phục vụ lĩnh vực quản lý hành chính”.

Tuy nhiên, Kết luận Thanh tra huyện Cẩm Xuyên còn chung chung, không đi sâu làm rõ được số tiền 440.405.000 đồng dùng để chi phí photocopy, in ấn tài liệu, chi sửa chữa máy tính, máy photocopy; chi mua văn phòng phẩm cho một địa phương có khoảng 1 vạn dân.

Trong Kết luận Thanh tra, UBND huyện Cẩn Xuyên đã yêu cẩu phòng Nội vụ hướng dẫn, đôn đốc UBND xã Cẩm Nhượng thực hiện quy trình xử lí cán bộ, tập thể, các cá nhân vi phạm theo kết luận thanh tra theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Đồng thời, tham mưu UBND huyện xem xét, xử lí trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm được nêu trong kết luận nay.

Nguồn:

(1) Tiền tỷ bồi thường sự cố môi trường Formosa Hà Tĩnh: Về xã nhập nhèm chi, 18/12/2019

(2) Infonet.vn: Dùng tiền tỷ bồi thường sự cố môi trường Formosa Hà Tĩnh ăn nhà hàng biển 3 lần/1 ngày, 18/12/2019